Bài viết được lấy từ 4231.vn, của cây viết Nhật, admin blog myfootballramble và 4231.
Link: http://4231.vn/2014/08/01/chien-thua...u-the-nao.html


<hr>






Phân tích một trận bóng như thế nào?




Bạn có thể nhìn trận đấu qua nhiều cách khác nhau: kiếm tìm sự giải trí tối đa với tốc độ và nhiều bàn thắng; tìm sự lãng mạn qua những pha phối hợp, ban bật hoặc những pha biểu diễn kĩ thuật cá nhân vô cùng đẹp mắt… hay bạn chỉ đơn giản là cần một trận đấu “Super Sunday” để cùng ngồi cafe với bạn bè, không hơn không kém.

Theo dõi một trận bóng đá qua lăng kính chiến thuật cũng là một cách thưởng thức bóng đá. Bạn xem cuộc chiến về chiến thuật giữa hai đội, giữa những cá nhân… và xem chúng sẽ ảnh hưởng tới kết quả trận đấu ra sao. Khô khan? Thiếu lãng mạn? Không hề. Còn gì hay hơn khi bạn hiểu được bản chất của trận đấu và kết quả của nó, thay vì để 90 phút trôi qua mà chẳng hiểu cái gì đang diễn ra trên sân, hoặc là… “chém gió” lung tung.

Nếu bạn muốn xem bóng đá theo hướng “chiến thuật” thì bạn cần biết phân tích chiến thuật của một trận đấu. Bài viết này của tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của người viết khi xem và phân tích một trận bóng. Có thể bài của tôi sẽ không bao quát được tất cả các tình huống, các trường hợp có thể xảy ra trong bóng đá; cũng không thể nào biến bạn từ một người mới xem trở thành một cây phân tích cự phách được. Nhưng, phân tích chiến thuật, tại sao không?





1. Một số điều cơ bản – nên ghi nhớ trước khi bắt tay vào phân tích!

Thứ nhất: Đấu pháp của một đội bóng được chia ra làm bốn giai đoạn:
  • “Có bóng” – triển khai tấn công
  • “Không có bóng” – triển khai phòng ngự
  • Chuyển từ “có bóng” sang “không có bóng” – còn có thể hiểu là “chống phản công”
  • Chuyển từ “không có bóng” sang “có bóng” – triển khai phản công


Không có giai đoạn khởi đầu và giai đoạn kết thúc, cũng như không có một trình tự cụ thể của các giai đoạn, mà chúng nối liên tục với nhau, có thể chồng lên nhau. Một đội bóng có thể cầm bóng liên tục, có thể phòng ngự trong một thời gian dài, hoặc là cầm bóng được vài giây rồi để mất ngay.

Thứ hai: Trong mỗi giai đoạn, sơ đồ của đội bóng là khác nhau. “Sơ đồ chiến thuật” nói cho cùng cũng chỉ là một cách dùng những còn số để miêu tả sự phân bố của các cầu thủ trên sân. Vì nhu cầu trong mỗi giai đoạn là khác nhau nên cách bố trí đó, tức là “sơ đồ”, cũng khác nhau. “Sơ đồ” đơn thuần không quyết định được chiến thuật.

Thứ ba: Đừng thiên vị hay thù ghét bất cứ đội bóng, cầu thủ nào vì bất cứ lí do nào, vì như vậy bạn sẽ không còn suy nghĩ về trận đấu nữa. Ví dụ như nếu bạn ghét Barca vì họ “đá buồn ngủ” hay “thằng Si lùn trông thấy ghét”, bạn sẽ không biết Barca đã di chuyển ra sao để ghi bàn, mà cùng lắm chỉ thấy họ chuyền cho nhau, đập nhả liên tục, rồi lại bảo là “đá chán”.

Thứ tư: Bóng đá không phải là đấu thương thời Trung cổ. Cuộc chiến chiến thuật diễn ra với mục đích quan trọng nhất là khai thác, tận dụng các khoảng không gian.





2. Sơ đồ và cầu thủ

Bạn nên bắt đầu bằng cách xác định sơ đồ của mỗi đội bóng, vì biết được sự phân bố của cầu thủ trên sân là nền tảng của phân tích. Từ đó, bạn mới có thể biết vị trí hoạt động cũng như nơi bắt đầu di chuyển của cầu thủ, cũng như nhận ra những trận chiến ở trên sân. Nên khởi đầu bằng cách xác định sơ đồ trong giai đoạn không có bóng, hoặc là khi đội bóng đó phát bóng lên; sau đó xác định sơ đồ ở các giai đoạn còn lại.

Luôn luôn chú ý tới đặc tính của từng cầu thủ một. Anh ta là mẫu “box-to-box”, số 10 dạt biên, chạy cánh bó vào, là “target man” hay “poacher”…? Các đặc tính này dẫn tới sự di chuyển, từ đó tạo ra bài bản tấn công riêng biệt; các trận chiến ở mỗi vùng đặc biệt trên sân từ đó cũng sẽ thay đổi.

Và cuối cùng: Sơ đồ không nhất thiết phải thẳng tắp, cân xứng, mà có thể lạ lẫm như thế này:


4-2-3-1 hay 4-4-2 kim cương? (Nguồn ảnh: zonalmarking.net)




3. Xem giai đoạn tấn công

Nếu chia toàn bộ sân đấu làm ba phần thì chúng ta cũng sẽ xem đội đó lên bóng như thế nào ở mỗi phần sân.

a) Ở phần sân nhà
  • Thủ môn chuyền ngắn hay đá mạnh lên phía trên?
  • Các hậu vệ (Mấy trung vệ? Full-back hay wing-back) đứng như thế nào? Chú ý số lượng. Vị trí họ đứng có thuận lợi để nhận bóng không, hay dễ dàng bị đối thủ cắt?
  • Sự hỗ trợ của tiền vệ phòng ngự như thế nào: lùi xuống ngang hàng với trung vệ, hay dạt ra “half-space”, hay đứng nguyên vị trí, hoặc chạy lên trên?
  • Chất lượng luân chuyển bóng ra sao: Tốc độ nhanh hay chậm? Có mạch lạc không? Phạm vi triển khai hẹp hay rộng quá?



b) Ở giữa sân

Hãy xem vị trí của cầu thủ cũng như thiên hướng di chuyển của họ. Từ đó bạn sẽ biết được những bài bản phối hợp của họ. Coi các tiền vệ như một thể thống nhất, mỗi người là một phần của cỗ máy. Đồng thời, luôn chú ý tới những cầu thủ khác cũng di chuyển vào khu vực này.

Ví dụ: Những cầu thủ như David Silva, Santi Cazorla… rất thích dạt vào bên trong (cụ thể là vị trí “số 10″) để hoạt động. Các tiền vệ trung tâm của chúng ta cũng hoàn toàn có thể dạt cánh, tạo khoảng trống cho những cầu thủ kiểu như trên. Hay như trong bóng đá hiện đại, hậu vệ biên còn đóng vai trò quan trọng trong triển khai tấn công ở cả ba phần sân, chứ không phải chỉ biết chạy thục mạng, chồng biên rồi tạt bóng.

c) Ở phần sân đội bạn

Đây là nơi bộ máy tấn công của chúng ta va chạm trực tiếp với toàn bộ hàng phòng ngự của đối thủ. Hãy xem khu vực đội ta tấn công cũng như các cặp, tổ phối hợp tấn công.

Ví dụ: Cặp đôi tiền đạo kiểu cổ điển như Dwight Yorke – Andy Cole sẽ ban bật, một chạm với nhau. Hay ở Arsenal trước đây, họ có một tam giác phối hợp rất mạnh là Ashley Cole – Robert Pires – Thierry Henry.


Những nhóm này là chìa khóa cho việc mở cánh cửa hàng phòng ngự đối phương qua sự di chuyển, tạo khoảng trống, phối hợp của mỗi cầu thủ, và cần được tập trung phân tích.





4. Xem giai đoạn phòng ngự

Hãy đặt ra cho mình những câu hỏi sau:
  • Sơ đồ bố trí là gì?
  • Bắt đầu phòng ngự từ phần sân đối phương, từ giữa sân hay lùi sát vòng cấm của mình?
  • Đội hình phòng ngự hẹp hay dàn ra?
  • Khoảng cách giữa các tuyến gần hay xa? Có đảm bảo an toàn không, hay để lộ khoảng trống?



Ở đây, nên chú ý rằng: Đôi khi, để lộ khoảng trống không phải là một điều xấu, quan trọng là khoảng trống đó phải được giữ để đối thủ không thể xâm nhập được. Dortmund là một ví dụ tiêu biểu, khi hàng tiền vệ của họ dâng lên cao để áp sát đối thủ từ giữa sân – nhưng đối thủ không có cách nào để đưa bóng vào khoảng trống sau lưng các tiền vệ Dortmund cả.
•Cách áp sát đối phương như thế nào?

Arrigo Sacchi từng nói rằng các cầu thủ luôn phải để ý tới bốn yếu tố trọng tâm: bóng, không gian xung quanh, đối phương và đồng đội của mình. Vậy đội bóng đó, khi pressing, tập trung vào yếu tố nào? Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập sâu hơn trong những bài sắp tới của loạt bài Chiến thuật 101.

Nói đơn giản hơn là thế này: Đội bóng đó sẽ chặn các hướng chuyền của đối phương như thế nào? Mục tiêu áp sát là đẩy đối phương ra ngoài biên hay ép vào trong? Áp sát với số lượng lớn xung quanh đối phương, hay chỉ một người áp sát và số còn lại thì ở nguyên vị trí?…


Minh họa: Cách bố trí đội hình 4-4-2 của Atletico Madrid (ảnh từ spielverlagerung.com)



Khoảng cách giữa hai tiền đạo và hàng hậu vệ của Atletico Madrid thường chỉ là 20m
Như ta có thể thấy: Atletico Madrid phòng ngự với khối 4-4-2 hẹp. Họ giữ khoảng cách giữa các tuyến cực tốt – mục đích phòng ngự của họ là đẩy đối phương ra biên, nơi họ sẽ ập vào áp sát ngay lập tức.



Đường biên là hậu vệ cánh giỏi nhất thế giới.

- Pep Guardiola


5. Từ không bóng sang có bóng

Khi một đội bóng giành lại được bóng, họ sẽ làm gì tiếp theo? Nhanh chóng đưa bóng thẳng về phía khung thành đối phương, hay dừng lại để triển khai bóng một cách chậm rãi, bình tĩnh? Nhưng trước hết, họ đưa được bóng ra ngoài khỏi vòng kiểm soát của những cầu thủ đối phương đang lao vào như thế nào?

Và khi phản công, khu vực họ tấn công là gì? Có những ai tham gia tấn công? Đối phương lúc đó bố trí như thế nào, và cách đội đang phản công vượt qua chướng ngại đó là gì (hoặc nếu không qua được, thì vì sao)? Tốc độ triển khai, những đường phối hợp… có tốt không?





6. Từ có bóng sang không bóng

Có hai cách tiếp cận ngay sau khi mất bóng: áp sát ngay lập tức, hoặc chỉ để người gần nhất tranh chấp bóng tại chỗ, còn cả đội lui về để chuyển sang giai đoạn phòng ngự.

Đội bóng đó lùi về lập đội hình phòng ngự như thế nào, nhanh hay chậm? Ai chịu về vị trí, ai không – và vì sao? Những vị trí nào dễ bị khai thác khi đội phải chống phản công, và đối phương khai thác những vị trí này thế nào? Đội bóng đó sẽ chống như thế nào: cố gắng lùi xuống, đưa người ra bọc lót khu vực đó, hay là cố bắt việt vị?

Ví dụ: Cristiano Ronaldo ở Real Madrid không bao giờ lùi về tham gia phòng ngự. Anh thường xuyên đứng ở trên cao để sẵn sàng phản công với tốc độ và sức mạnh của mình. Để hỗ trợ cho anh, Real trong mùa giải này sử dụng Di Maria ở vị trí “số 8″ lệch trái để bọc lót cho Ronaldo trong đội hình 4-3-3, hoặc xếp luôn Di Maria ở bên cánh trái cho Ronaldo đá tiền đạo lùi ở sơ đồ 4-4-2.





7. Tình huống cố định

Đây là một cách ghi bàn rất hữu hiệu, nhất là khi trận đấu đang bế tắc. Một số đội bóng như Fiorentina có cả một huấn luyện viên riêng về tập tình huống cố định.

Ví dụ như những tình huống phạt góc: đội phòng ngự phòng ngự theo kiểu người – kèm – người hay theo khu vực? Để người dựa cột hay là không? Thói quen ra vào của thủ môn có ảnh hưởng gì? Còn về đội tấn công, những cú tạt vào sẽ nhắm vào cột gần, cột xa, hay ở giữa? Các cầu thủ chạy chỗ như thế nào để thoát khỏi sự kèm cặp của đối phương? Trong khi đó, những cú đá phạt trực tiếp thì không phức tạp như vậy, nhưng những bàn thắng vẫn có thể đến đều đều.





Kết

Trên đây là những kinh nghiệm đúc rút, cô đọng lại của cá nhân tôi. Những điều này là cơ bản, được tổng hợp lại để mong bạn đọc có một cái nhìn tổng quát hơn về chiến thuật và cách “xem” chiến thuật.


<hr>

<font size="4">Nguồn
: http://4231.vn/2014/08/01/chien-thua...u-the-nao.html


<font color="#008000">Xem thêm:
http://fm-vn.com/diendan/showthread....7a-B%E1%BA%A1n


<hr></font></font>