Mở đầu cho các huyền thoại của bóng đá châu Âu mà không thuộc các cường quốc là thủ lĩnh của đội hình Hungary huyền thoại :

THIẾU TÁ SIÊU TỐC FERENC PUSKAS

Hồ sơ :

Ferenc Puskás Biró sinh ngày 2 tháng 4 năm 1927 – mất ngày 17 tháng 11 năm 2006) tại thành phố Budapest, thủ đô Hungary.

CLB : Kispest A.C. (1943–1949) Honvéd (1949–1955) Real Madrid (1958–1966 )
ĐTQG : Hungary 84 trận (từ 1945 đến 1956) / 83 bàn thắng. Tây Ban Nha 4 trận (1961-1962) / 0 bàn


Thành tích :
Giải VĐQG Hungary 354 trận (1943-1956) / 357 bàn, Real Madrid 179 trận (1958-1966) / 154 bàn

6 chức vô địch Hungary
5 chức vô địch Tây Ban Nha
4 giải thưởng Pichichi
1 Cúp C1
1 Cúp liên lục địa (năm 1960)
1 Cúp Nhà vua
Điều đáng tiếc nhất với Puskas là chưa giành được danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu, mặc dù ông rất xứng đáng với giải thưởng này.


Thông tin :


Cầu thủ mà ngay cả Johan Cruyff hay Franz Beckenbauer cũng luôn thán phục; còn Ronaldo, Raul, Ronaldinho luôn "nép mình" kính phục khi được diện kiến. Đó chính là Ferenc Puskas

Puskas khởi nghiệp với tư cách cầu thủ trẻ của CLB Kispest - nơi cha ông làm HLV. Ban đầu, trước khi được ký hợp đồng chính thức vào năm 12 tuổi, huyền thoại này đã phải chơi dưới cái tên bí mật Miklós Kovács. Cùng gia nhập Kispest với Puskas còn có ban thân thủa nối khố József Bozsik - cầu thủ mà sau đó cũng trở thành một phần quan trọng của "đế chế bóng đá" Hungary. Năm 1949, được bộ quốc phòng Hungary tiếp quản, AC Kispest trở thành đội bóng quân đội với cái tên mới là Honvéd Kispest. Vì các thành viên cũng được coi như một quân nhân nên chẳng mấy chốc nhờ thành tích đá bóng xuất sắc, Puskas được thăng hàm thiếu tá. Và biệt danh "thiếu tá siêu tốc" cũng ra đời từ đó.Do có thể tuyển quân từ nguồn lính trẻ nhập ngũ, Honved tập hợp được vô số tài năng của bóng đá Hungary. Trong số này có cả hai ngôi sao Zoltán Czibor và Sándor Kocsis. Cùng với họ, Puskas đã giúp CLB giành được 5 chức vô địch quốc gia. Ngoài ra, ông còn giành 4 danh hiệu vua phá lưới ở các mùa bóng 1947-48, 1949-50, 1950-1951 và 1952-1953 (với số bàn lần lượt là 50, 31, 25, và 27). Nếu chỉ tính mùa bóng 1947-1948, Puskas là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại một giải vô địch quốc gia thuộc châu Âu.

Khoác áp đội tuyển quốc gia lần đầu tiên vào ngày 20/8/1945 (khi mới hơn 18 tuổi), Puskas đã khởi đầu sự nghiệp quốc tế vẻ vang của mình bằng cách ghi bàn trong trận đè bẹp Áo 5-2. Từ đây, ông trở thành “cỗ máy dội bom” không thể ngừng lại của đoàn quân được mệnh danh "những phù thủy Magyar". Tính tổng cộng trong 85 lần khoác áo đội tuyển Hungary, Puskas đã có 84 lần phá lưới đối phương (một kỷ lục nếu xét về tính hiệu quả).

Tài năng của Puskas thăng hoa nhanh chóng và tên của ông dần được cả châu Âu ghi nhớ. Tuy nhiên, khả năng chơi bóng "ma thuật" cùng kỹ năng ghi bàn bẩm sinh với cái chân trái khéo léo của Puskas chỉ thực sự được cả Thế giới thừa nhận sau màn trình diễn tuyệt vời tại sân Wembley, Anh. Đội tuyển Anh kiêu hãnh đã phải đón nhận một trận thua "tâm phục khẩu phục" với tỷ số 3-6 trước đội khách từ Đông Âu với màn trình diễn ấn tượng của Puskas và các đồng đội. Đó cũng là trận thua đầu tiên trên sân nhà của ĐT Anh trước một đối thủ không thuộc liên hiệp Anh.


"Đó như là cuộc đấu giữa những con ngựa đua và những con ngựa nuôi. Đó là đối thủ khó nhất mà ĐT Anh từng phải đối mặt, một đội bóng tuyệt vời với một chiến thuật mà chúng tôi chưa từng gặp gặp trước đó."Tiền vệ cánh Tom Finney của đội chủ nhà thốt lên sau trận. Hungary vào thời điểm đó sử dụng sơ đồ tấn công 4-2-4 với bộ tứ tấn công trứ danh Puskas, Joszef Bozsik, Nandor Hidgekuti và Sandor Kocsis. Cũng chính những con người này sau đó 1 năm đã tiếp tục cho ĐT Anh "phơi áo" với tỷ số 1-7 tại Budapest.

Cùng với Zoltán Czibor, Sándor Kocsis, József Bozsik và Nándor Hidegkuti, chàng thủ quân còn có một biệt danh khác là "người anh nhỏ" đã làm nên một đội tuyển quốc gia mạnh khủng khiếp trong lịch sử với chuỗi 32 trận bất bại liên tiếp. Cho đến nay, đấy vẫn là một kỷ lục hầu như không thể phá vỡ. Trong hành trình đoạt chiếc HCV Olympic 1952 (có thể coi như chức vô địch thế giới không chính thức vì các nước đều cử đội tuyển quốc gia), Hungary đã đánh bại ứng cử viên nặng ký là Nam Tư, bằng tỷ số 2-0 trong trận chung kết diễn ra tại Helsinki (Phần Lan). Puskas đã ghi 4 bàn ở giải này, trong đó có bàn mở tỷ số trận quyết định tranh huy chương vàng. Trong năm 1953, Hungary cũng thêm Cúp "Dr. Gero" - một danh hiệu dành cho các đội tuyển thuộc khu vực Trung Âu. Giải đấu bắt đầu từ năm 1948 và kéo dài suốt 5 năm. Cuối cùng, Hungary đứng đầu với 11 điểm. Puskas kết thúc giải cùng danh hiệu vua phá lưới (10 bàn), trong đó có hai bàn giúp Hungary đoạt Cúp bằng trận thắng Italy 3-0 ngay tại Rome. Với những thành tích đó Hungary đã tới Thụy Sĩ với tư cách là ƯCV số 1 và duy nhất cho chức vô địch World Cup 1954...

"Tôi vẫn chưa hiểu tại sao ĐT Hungary của Puskas lại không thể giành chiếc cúp vàng năm 1954!"HLV Alex Ferguson của Man Utd, một người rất ngưỡng mộ tài năng của Puskas, cho biết. Quả thực, việc "Đội tuyển Vàng" của Hungary với những chiến thắng như "chẻ trẻ" trước đó không giành được chức vô địch World Cup 1954 là một bất ngờ lớn.

Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ khi Hungary "vùi dập" Hàn Quốc tới 9-0 và "tàn sát" Tây Đức với tỷ số 8-3 trong 2 trận đầu tiên. Tuy nhiên, chấn thương gót chân ở trận gặp Tây Đức đã khiến Puskas phải nghỉ đến trước trận đấu cuối cùng.
Trước trận chung kết với chính Tây Đức, khả năng ra sân của Puskas vẫn bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, sau đó, người ta vẫn thấy ông với băng đội trưởng trên tay góp mặt vào trận chung kết. Lúc đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của Puskas không thật sự hợp lý bởi hàng công 4 người gồm Hidegutki, Kocsis, Budai và Czibor của Hungary đã thi đấu rất ăn ý và hiệu quả trong những trận trước đó. Mọi nghi ngờ tan biến chỉ sau 6 phút khi Puskas tận dụng cú sút đập chân hậu vệ của Kocsis để sút tung lưới Tây Đức từ cự ly gần. Tưởng như mọi chuyện tiếp tục suôn sẻ với Hungary khi Czibor tận dụng đường chuyền về bất cẩn của một hậu vệ Tây Đức để nâng tỷ số lên 2-0.

Thế nhưng, cũng bằng một sai lầm của hàng thủ, Morlock đã nhanh chóng gỡ lại 1-2 cho ĐT Đức sau 10 phút thi đấu. Tinh thần Tây Đức lên cao và chỉ 8 phút sau bàn gỡ 1-2, Rahn đã đưa trận đấu trở về vạch xuất phát. Kể từ đó, hàng thủ Tây Đức từng để thua 8 bàn trước Hungary tại vòng bảng bỗng chơi hết sức chặt chẽ. Cùng với một chút sự trợ giúp từ trọng tài, Hungary của Puskas đã không thể thêm một lần chọc thủng lưới đối thủ. Và bi kịch đến ở phút 84 khi Uwe Rahn với một cú dứt điểm quyết đoán và hiểm hóc đã mang về chiến thắng kịch tính 3-2 cho Tây Đức. Trong những phút cuối cùng, Hungary đã vùng dậy một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, cơ hội tốt nhất của họ là pha ghi bàn của Puskas đã không được trọng tài công nhận do lỗi việt vị. Dù phản ứng rất quyết liệt nhưng tỷ số 3-2 nghiêng về Tây Đức cuối cùng cũng đã được ấn định cho trận chung kết World Cup 1954.

Năm 1956, Honvéd tham dự Cúp C1 và gặp Athletic Bilbao ở vòng đầu tiên. Trong khi để thua 2-3 trên sân khách, thành phố đóng đô của CLB ở quê hương (thủ đô Budapest) đã trở nên hỗn loạn vì bất ổn chính trị. Sau khi phải "trả giá" vì quyết định chọn sân trung lập Heysel để thi đấu trận lượt về (hòa 3-3 và Honved bị loại bằng kết quả chung cuộc 5-6), các cầu thủ đã không chọn con đường trở về. Họ tập hợp gia đình, bất chấp lệnh cấm của FIFA cũng như liên đoàn bóng đá Hungary, để tổ chức chuyến du đấu vòng quanh thế giới, tới Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Brazil. Sau khi trở lại châu Âu, Honved hùng mạnh đã "tan đàn xẻ nghé". Một số cầu thủ, trong đó có Bozsik, trở về Hungary, trong khi số còn lại bao gồm cả Czibor, Kocsis và Puskás, đã đầu quân cho các CLB Tây Âu. Ở tuổi 29, đời cầu thủ của Puskas tưởng chừng sắp đi xuống bên kia sườn dốc lại bước sang một trang mới vẻ vang hơn.

Quãng thời gian hòa nhập với cuộc sống mới không thực sự suôn sẻ đối với "thiếu tá siêu tốc". Sau vài trận thử việc ở Espanyol, Puskas đã bị liên đoàn bóng đá châu Âu cấm thi đấu hai năm vì quyết định từ chối trở về Hungary. Khoảng thời gian thử thách này thực sự vất vả đối với cầu thủ đã đi quá nửa sự nghiệp. Anh phải lang thang tới Áo, rồi sang Italy - nơi có tin Juve và Milan muốn kiểm chứng tài nghệ của ngôi sao hay nhất Đông Âu. Nhưng cuối cùng, chẳng biết bằng cách nào và quyết tâm lớn đến đâu, Real Madrid đã dũng cảm ký hợp đồng với lão tướng 31 tuổi. Đó là một tân binh vừa trải qua hai năm tròn không được chơi bóng đỉnh cao nhưng lại là nhân vật chính của một trong những quyết định đúng đắn nhất mà CLB Hoàng gia từng đưa ra.

Trong 8 mùa bóng khoác áo "kền kền trắng", Puskas đã ghi được 156 bàn trong 180 trận tại La Liga. Về khoản danh hiệu nội địa, ngoài 5 chức vô địch Tây Ban Nha liên tiếp (1961-1965), "thiếu tá siêu tốc" còn sưu tập thêm 4 giải thưởng Pichichi (vua phá lưới) ở các năm 1960, 1961, 1963, 1964 (khi đã 37 tuổi) với số bàn thắng lần lượt là 26, 27, 26 và 20. Trên đấu trường Cúp C1, tuy gánh nặng tuổi tác đè chặt, nhưng Puskas vẫn kịp chơi 39 trận và ghi được 35 bàn. Đáng kể nhất trong số này là 7 lần lập công bàn ở hai trận chung kết. Đầu tiên là ở mùa bóng 1959/1960, thời điểm ông bùng nổ cùng Di Stefano giúp CLB đè bẹp Frankfurt 7-3 (Puskas 4 bàn, Di Stefano 3 bàn). 3 bàn còn lại được ông ghi trong trận chung kết diễn ra 2 năm sau, khi Real bị Benfica đánh bại với tỷ số 5-3. Tuy chỉ giành một chiếc Cúp C1 cùng Real nhưng tên tuổi Puskas vĩnh viễn được xếp vào hàng ngũ huyền thoại của CLB này cũng như trong lịch sử bóng đá châu Âu.

Puskas nhận hộ chiếu Tây Ban Nha vào năm 1961 và chơi cho ĐTQG nước này 4 trận nhưng không ghi được bàn thắng nào, trong đó, có 1 trận thắng và 2 trận thua tại VCK World Cup 1962 tại Chile. Ferenc Puskas "treo giày" vào 30/06/1967 trước khi tiếp tục góp mặt trong một trận chung kết cúp châu Âu khác cùng Panathinaikos trên cương vị HLV và để thua 0-2 trước Ajax Amsterdam. Sự nghiệp huấn luyện của huyền thoại bóng đá người Hungary này sau đó còn gắn bó với AEK Athens (Hi Lạp), Sol (Paraguay) và Colo Colo (Chile) trước khi ông trở về Hungary năm 1993 và tham gia huấn luyện ĐTQG nước này trong một thời gian ngắn. Ngày 17 tháng 11 năm 2006,ông mất do bệnh viêm phổi tại Budapest, thọ 79 tuổi.

Puskas luôn theo dõi bóng đá, thường đi xem các trận đấu nhưng không nhận thấy thứ bóng đá mà ông từng say mê. "Bóng đá đã mất đi tính hiếu khách của nó. Tôi chẳng hạn, tôi là bạn của những cầu thủ đã cùng chơi nhưng nhiều người trong số ấy là đối thủ trên sân của tôi. Tôi không tin mọi người bây giờ lại cư xử với nhau như vậy. Bây giờ sau buổi tập mọi người về nhà còn trước kia chúng tôi thích ngồi lại với nhau. Bây giờ ở Hung có nhiều cầu thủ giỏi nhưng họ không tin vào những điều chúng tôi đã tin và không nghe các lời khuyên. Bóng đá thay đổi nhiều quá". Ông không hài lòng với tình hình nhưng Pancho đáng yêu không hề bực mình. Ông trung thành với những kỉ niệm ("nếu tôi 20 tuổi tôi vẫn sẽ chơi cho Honved hoặc Real" - ông khẳng định), với lối chơi mà ông đã đem lại vinh quang cho nó, với những bạn chí cốt ở ĐT Hung vĩ đại mà hiện chỉ còn sống có 5 người kể cả ông. Thực ra con người giản dị và kín đáo này bỗng bằng lòng với những gì mình đã có và để biểu hiện điều đó ông lại dùng hình ảnh của bóng đá "Đã từ lâu tôi hiểu rằng người ta không thể ngày nào cũng đặt quả bóng vào 1 chỗ..."