Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    1

    Các huyền thoại của bóng đá Argentina

    Nhắc đến bóng đá Argentina người ta sẽ nhắc ngay đến cái tên:
    CẬU BÉ VÀNG DIEGO MARADONA

    Hồ sơ :

    Diego Armando Maradona (sinh 30 tháng 10 năm 1960 tại Villa Fiorito, Argentina)

    Chiều cao 166 cm

    Các CLB : Argentinos Juniors (1976-1981), Boca Juniors (1981-1982), FC Barcelona (1982-1984), SSC Napoli (1984-1991), Sevilla FC (1992-1993), Newell's Old Boys (1993), Boca Juniors (1995-1997).

    HLV : 1994 Mandiyú de Corrientes, 1995 Racing Club de Avellaneda, 2008 Argentina

    Với ĐT Brazil (1977-1994): chơi 91 trận, ghi 34 bàn

    Thành tích thi đấu ở các CLB

    CLB Số trận/Số bàn thắng

    Argentinos Juniors (1976-81) 166/116

    Boca Juniors (1981-82) 42/28

    Barcelona (1982-84) 58/38

    SSC Napoli (1984-91) 259/115

    FC Sevilla (1992-93) 29/7

    Newell's Old Boys (1993) 5/0

    Boca Juniors (1995-1997) 29/7

    Tổng cộng 588/311

    Những cột mốc trong sự nghiệp thi đấu của Maradona

    - 20/10/1976: Chơi trận đầu tiên ở giải VĐ Argentina cho Argentinos Juniors gặp Talleres de Córdoba.

    - 14/11/1976: Ghi bàn đầu tiên trong trận gặp San Lorenzo de Mar del Plata.

    - 27/2/1977: Chơi trận đầu tiên cho ĐT Argentina gặp Hungary.

    - Tháng 5/1978: Cesar Menotti, HLV ĐT Argentina, không đưa tên Maradona vào danh sách 22 cầu thủ dự World Cup 1978 với lý do anh còn quá trẻ để chịu đựng được sức ép của một giải lớn.

    - 2/6/1979: Ghi bàn đầu tiên cho ĐT Argentina trận gặp Scotland tại Glasgow

    - 7/9/1979: Cùng Argentina giành giải trẻ VĐTG ở Nhật Bản với bàn thắng từ quả đá phạt trực tiếp trong trận CK thắng Liên Xô 3-1.

    - 19/2/1981: Gia nhập Boca Juniors.

    - 16/8/1981: Giành chức VĐ Argentina với Boca Juniors.

    - 4/6/1982: Gia nhập Barcelona.

    - 24/9/1983: Chấn thương nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp khi bị Andoni Goicoechea, hậu vệ Athletic Bilbao, đá vỡ mắt cá chân trái.

    - 30/6/1984: Gia nhập Napoli

    - 22-29/6/1986: Ghi bàn thắng nổi tiếng có tên “Bàn tay của Chúa” và sau đó ghi một bàn đẹp nhất lịch sử World Cup cho Argentina ở tứ kết World Cup 1986. Dẫn dắt Argentina tới ngôi vô địch thế giới sau khi đánh bại CHLB Đức ở trận CK.

    - 10/5/1987: Cùng Napoli giành chức VĐ Italia đầu tiên trong lịch sử CLB này

    - 17/5/1989: Cùng Napoli giành Cúp UEFA, chiếc cúp châu Âu đầu tiên trong lịch sử CLB này.

    - 17/3/1991: Bị phát hiện dương tính trong một cuộc thử doping và bị cấm thi đấu 15 tháng.

    - 10/10/1993: Rời Sevilla trở về quê hương chơi cho Newell's Old Boys.

    - 31/10/1993: Trở lại ĐTQG Argentina

    - 2/12/1993: Chơi trận cuối cùng với Newell's gặp Huracan.

    - Tháng 6/1994: Chơi hai trận trong World Cup cuối cùng và ghi một bàn thắng tuyệt vời ở trận gặp Hy Lạp trước khi bị đuổi khỏi giải vì phát hiện sử dụng chất cấm ephedrine.

    - 7/10/1995: Trở lại chơi cho Boca Juniors.

    - 25/10/1997: Chơi trận cuối cùng trong sự nghiệp (Boca thắng 2-1 trên sân River Plate).

    - 30/10/1997: Quyết định giã từ sân cỏ đúng sinh nhật lần thứ 37.

    Thông tin :

    Maradona có hai thập kỷ chơi bóng đá đỉnh cao cho 7 CLB và dự 4 VCK World Cup với ĐT Argentina. Về phương diện cá nhân, anh đã đi tới tột đỉnh vinh quang với tư cách đội trưởng đội VĐTG 1986 và còn được tôn vinh là Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thế kỷ 20 cùng với Pele. Tuy nhiên, thành tích vài chiếc cúp cấp CLB có vẻ là quá ít so với đẳng cấp và những cống hiến của anh.

    Maradona được gọi lên đội 1 Argentinos Juniors và có trận đầu tiên ở giải VĐQG ngày 20/10/1976 gặp Talleres de Córdoba, đúng 10 ngày trước khi tròn 16 tuổi. HLV Juan Carlos Montes nói khi đưa anh vào sân: “Tiến lên Diego. Hãy thể hiện những gì cậu biết”. Và Maradona đã làm được như thế. Anh bắt đầu với một pha “xỏ lỗ kim” qua khe giữa hai chân của đối thủ đầu tiên đối mặt và cứ thế say sưa trổ tài làm ảo thuật với quả bóng. Đó là cuộc đấu đầu tiên của một cuộc chinh phục cả thế giới kéo dài.

    Ở Argentinos, anh bắt đầu với cố gắng để cứu đội bóng khỏi tình thế khó khăn và kết thúc với việc tìm kiếm chức VĐ, một hình ảnh đã trở thành quen thuộc về sau này khi chơi cho các đội khác. SVĐ Boyaca & Garcia cũ nát trở thành trung tâm chú ý của cả thế giới bóng đá còn CĐV các CLB khác nô nức kéo tới để được thấy số 10 của Argentinos chơi bóng. Việc Maradona được HLV ĐTQG Cesar Luis Menotti triệu tập chuẩn bị cho trận giao hữu gặp Hungary là một bước tiến vượt bậc. Sự thật là trước khi được mặc chiếc áo sọc xanh da trời-trắng, anh mới chỉ chơi có 12 trận ở giải hạng Nhất!

    Boca, CLB mà anh ủng hộ từ bé, là nơi Maradona có được danh hiệu VĐQG đầu tiên của mình năm 1982. Những gì anh thể hiện khiến tất cả các CĐV CLB cảm giác Boca là Maradona và Maradona cũng chính là Boca.

    Sau World Cup 1982 đáng thất vọng, Cesar Luis Menotti sang làm HLV Barcelona và kéo học trò Maradona theo mình. Ở Barcelona, anh đã trải qua một thời gian khó khăn. Đầu tiên là vật lộn với bệnh viêm gan và sau đó một cú tắc hiểm ác của Andoni Goikoetxea (Athletic Bilbao) ngày 24/9/1983 đã đặt sự nghiệp thi đấu của Maradona bên bờ vực. Tuy nhiên, sức mạnh thể lực và ý chí đã giúp anh trở lại sân cỏ chỉ sau 14 tuần.

    Chính tại Barcelona, Maradona đã học được nhiều từ bóng đá châu Âu. Các cầu thủ tranh cướp quyết liệt hơn và ít thể hiện kỹ thuật hơn. Maradona nhận thấy rằng với phần lớn đồng đội của anh, di chuyển còn quan trọng hơn chơi bóng. Ngược lại, các đồng nghiệp và khán giả được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bóng đá từ cái chân trái hoàn hảo của Maradona. Nhiều người nói rằng những gì anh đã làm với quả bóng ở Barcelona không bao giờ có thể lặp lại. Chẳng hạn như bàn thắng sau pha rê dắt bóng xuyên thủng toàn bộ hàng phòng ngự Real Madrid.

    Bị đẩy sang SSC Napoli, anh đã trở thành “thánh Diego” khi đưa đội bóng Italia này tới kỷ nguyên thành công nhất trong lịch sử của họ. Ngày 10/5/1987, Napoli có chức VĐQG đầu tiên còn Naples có thêm một ông thánh (Thánh Diego) ngoài vị thánh hộ mệnh San Gennaro của thành phố. Cả hai chức VĐ Italia (1987 và 1990) mà Napoli giành được trong lịch sử là nhờ có Maradona.

    Tại Naples, Maradona cũng đối mặt với những bê bối lớn nhất trong đời cầu thủ, trong đó có việc có một đứa con ngoài giá thú và bị nghi ngờ có quan hệ bạn bè với Camorra, một trùm maphia địa phương.

    World Cup 1990, chủ nhà Italia bị Argentina của Maradona loại ở bán kết. Bởi sự thật này mà Maradona chịu cơn thịnh nộ bất công của các fan Italia trong mùa bóng cuối cùng ở Italia 1990/91. Anh chơi trận cuối cùng của mình cho Napoli ngày 24/3/1991 gặp Sampdoria ở Genoa. Mẫu thử doping của Maradona cho kết quả dương tính khiến anh quyết định trốn chạy khỏi Italia mà không kịp chào tạm biệt những người hâm mộ Naples. Dù vậy, quãng thời gian ở Napoli đã trở thành đáng nhớ nhất với anh.

    Maradona trở lại sân cỏ trong màu áo FC Sevilla sau 15 tháng bị treo giò, một hình phạt quá nặng với một thiên tài hiếm có của bóng đá. Đã VĐTG với Argentina, đã ngự trị ở vị trí cao nhất trong lòng người hâm mộ khi chơi ở Italia, Maradona đã đi tới đỉnh thiên đường. Anh đã có lúc là hiện thân của Chúa Trời và giờ cố gắng để trở lại mặt đất lần nữa. Sevilla có vẻ là điểm đến hoàn hảo cho điều đó.

    Nhưng cũng chỉ sau hơn một mùa bóng, Maradona trở về quê hương chơi cho Newell's Old Boys. Anh quyết định chia tay CLB mới để tập trung sức lực khi được gọi trở lại ĐTQG. Sự nghiệp thi đấu ở CLB của Maradona bị gián đoạn do vụ doping ở World Cup 1994. Thế nhưng, anh đã chứng tỏ “sức mạnh” của mình không phụ thuộc vào tuổi tác hay trọng lượng khi trở lại chơi cho Boca Juniors từ cuối năm 1995 cho tới khi treo giày thực sự năm 1997 ở tuổi 37.

    Maradona gặt hái được thành công lớn nhất là danh hiệu VĐTG với ĐT màu áo sọc trắng-xanh da trời, nơi anh chơi 91 trận và ghi 34 bàn.

    Maradona chơi trận ra mắt ĐTQG Argentina gặp Hungary ở tuổi 16. Ở tuổi 18, anh đã trở thành ngôi sao trong giải VĐ bóng đá trẻ thế giới mà Argentina là đội thắng 3–1 trong trận CK trước Liên Xô.

    World Cup 1986 là giải đấu mà những phẩm chất thiên tài của Maradona đã thăng hoa và những đóng góp của anh đã góp phần quyết định vào chức VĐ của đội bóng áo sọc xanh-trắng. Maradona thống trị giải đấu và ấn tượng từ hai bàn thắng của anh trong trận gặp ĐT Anh ở tứ kết đã củng cố hình ảnh “huyền thoại Maradona”. Pha chiếu chậm cho thấy bàn thắng đầu tiên của Maradona được ghi bằng tay dù anh đã chối khi gọi đó là “Bàn tay của Chúa”.

    Tuy nhiên, bàn thắng thứ hai của Maradona là một màn trình diễn tuyệt vời của những kỹ năng bóng đá. Tiền vệ này dẫn bóng suốt nửa sân, vượt qua 5 cầu thủ Anh (Glenn Hoddle, Peter Reid, Kenny Sansom, Terry Butcher và Terry Fenwick) cũng như thủ môn Peter Shilton. Bàn thắng này được bầu là Bàn thắng đẹp nhất thế kỷ 20 trong một cuộc bầu chọn qua Internet năm 2002 do FIFA tổ chức. Hai bàn thắng này được xếp hạng 6 trong danh sách 100 khoảnh khắc thể thao vĩ đại nhất của kênh truyền hình Channel 4 năm 2002.

    Tương phản với sức lực dẻo dai đã chứng tỏ trong những năm còn thi đấu, sau khi treo giầy Maradona trở nên phát phì và gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ. Ba lần đột quỵ và cả ba lần anh đều gượng dậy được. Nhưng một điều dễ nhận ra khi chứng kiến tất cả đều lo lắng cho sự sống của anh, đó là cái tên Diego Maradona bất tử trong trái tim các CĐV Boca, Argentina và những người hâm mộ bóng đá thế giới.

  2. #2
    Ngày tham gia
    Sep 2015
    Bài viết
    430
    Trong danh sách 10 cầu thủ vĩ đại nhất thế kỉ 20 do Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá thế giới IFHS bình chọn thì Argentina có 1,5 xuất. 1 cho Maradona, còn 0,5 còn lại (0,5 kia là của TBN ) là :

    MŨI TÊN VÀNG ALFREDO DI STEFANO

    Hồ sơ :

    Tên đầy đủ: Alfredo Di Stefano Laulhe.
    Sinh ngày 4/7/1926 tại Buenos Aires, Argentina.
    Quốc tịch: Argentina, TBN.
    Các CLB: River Plate (1943-45), Huracan (1945-47), River Plate (1947-49), Millonarios (1949-53), Real Madrid (1953-64), Espanyol (1964-66).
    - Các ĐTQG: Argentina (1947, 6 trận/4 bàn), Colombia (1949, 4 trận/0 bàn), TBN (1957-61, 31 trận/23 bàn).

    Thành tích :

    - Tập thể:
    2 chức VĐ Argentina (1945, 1947);
    1 Cúp Bodas De Oro (1952);
    4 chức VĐ Colombia (1949, 1951, 1952, 1953),
    8 chức VĐ TBN (1954, 1955, 1957, 1958, 1961, 1962, 1963, 1964);
    1 Cúp Nhà vua (Cúp QG TBN - 1962);
    5 Cúp C1 châu Âu (1956, 1957, 1958, 1959, 1960);
    1 Cúp Liên lục địa (1960);
    1 Cúp thế giới các CLB Pequena (1953, 1956);
    2 Cúp Latin (1955, 1957);
    1 lần VĐ Nam Mỹ (Copa America -1947).

    - Cá nhân:
    1 lần Vua phá lưới giải VĐ Argentina (1947); 2 lần Vua phá lưới giải VĐ Colombia (1951, 1952); 5 lần Vua phá lưới giải VĐ TBN (Pichichi - 1954, 1956, 1957, 1958, 1959); 2 lần Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu(1957, 1959); Siêu Quả bóng Vàng châu Âu (Super Ballon d’Or - 1991); 48 bàn trong 59 trận ở Cúp C1 châu Âu (kỷ lục duy trì cho tới khi bị Raul Gonzalez cũng của Real Madrid phá năm 2005); Cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất lịch sử của Real Madrid; Cầu thủ xuất sắc nhất TBN trong vòng 50 năm (1954-2004).


    Thông tin :

    Di Stefano, đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới như một trong những cầu thủ vĩ đại nhất. Thậm chí, rất nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng ông còn vĩ đại hơn cả vua bóng đá Pele. Dù cuộc tranh cãi đó sẽ không bao giờ ngã ngũ thì chẳng ai, kể cả các fan của Pele, có thể bác bỏ sự thật Di Stefano là ngôi sao toàn diện nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

    Alfredo Di Stefano sinh ra trong một gia đình Italia nhập cư (bà ngoại ông là người Ireland) tại Barracas, một huyện nghèo ở ngoại ô Đông Nam thủ đô Buenos Aires của Argentina. Cái tên Barracas xuất phát từ “barraca” trong tiếng TBN có nghĩa là những dãy nhà tạm lụp xụp. Là con trưởng trong một gia đình nông dân có 3 con trai, Di Stefano sớm phải lao động nặng. Thế nhưng cuộc sống khó khăn không thể khiến Di Stefano từ bỏ sở thích chơi bóng. Trái lại, việc phải làm lụng ngoài đồng đã giúp ông tích lũy được thể lực dẻo dai để có thể chơi bóng đá đỉnh cao tới năm 40 tuổi. Thậm chí, cho tới độ tuổi giữa tam tuần, ông vẫn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới lúc đó.

    Ở tuổi 12, Di Stefano gia nhập một đội trẻ có tên gọi Los Cardales và sau đó giành chức VĐ giải nghiệp dư với họ. Năm 13 tuổi, ông gia nhập River Plate lừng danh rồi được lên đội 2 năm 15 tuổi. Năm 16 tuổi, Di Stefano lên đội 1 và bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp ở CLB này.

    Sau đó, River Plate đã sẵn lòng cho Huracan mượn Di Stefano trong mùa bóng 1946 để ông có chỗ gọt giũa những kỹ năng xuất sắc tiềm ẩn. Thật trớ trêu, Di Stefano đã ghi bàn đem lại trận thắng cho đội bóng mà mình “ăn nhờ ở đậu” khi đối mặt với River Plate. Bàn thắng ở giây 15 sau tiếng còi khai cuộc có lẽ là bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử giải VĐQG Argentina.

    Năm 1947, trung phong vĩ đại Pedernera bị River Plate bán sang Atlanta. CLB này đã gọi Di Stefano trở về khi họ đánh giá ông đủ khả năng dẫn dắt hàng công. Di Stefano cuối cùng đã đạt được mong muốn thuở nhỏ: chơi đúng vị trí của thần tượng là trung phong Arsenio Erico (Independiente). Với sự hỗ trợ của đồng đội, Di Stefano xé toang mọi hàng phòng ngự đối phương và cùng với các đối tác Moreno, Labruna ở hai cánh lập nên một hàng công đáng sợ nhất tại Nam Mỹ.

    Tài năng đang nổi lên này tiếp tục phát huy sự tự tin và đã ghi được cả thảy 49 bàn trong 65 trận ở giải VĐQG. Sau một cuộc đình công của các cầu thủ bắt đầu ở Argentina năm 1949, nhiều cầu thủ đã chuyển sang giải VĐ không chính thức của Colombia có tên gọi là Di Mayor. Từ khi không còn nằm trong sự quản lý của FIFA, họ không phải trả phí chuyển nhượng và vì thế các CLB có thể đưa ra mức lương cao hơn. Điều này đã thu hút các ngôi sao hàng đầu Nam Mỹ, trong đó có Di Stefano, tới Colombia.

    Tạp chí World Soccer đánh giá Millonarios Of Bogota đã trở thành quyền lực thống trị bóng đá Colombia nhờ thiên tài Alfredo Di Stefano. Alfredo ghi tới 267 bàn trong 294 trận chơi cho Millonarios trong thời gian ở Colombia và biến CLB này trở thành vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Colombia. Trong vòng chưa đầy 4 năm, Di Stefano đã ghi đủ số bàn thắng để trở thành cầu thủ ghi bàn xuất sắc thứ hai trong lịch sử Millonarios. Sau 12 năm đầu tiên của sự nghiệp ở Argentina và Colombia, Di Stefano đã có 6 chức VĐQG, nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ trong những vinh quang mà ông giành được.

    Năm 1952, Millonarios được mời chơi trận giao hữu kỷ niệm 50 năm thành lập Real Madrid. Di Stefano đã chinh phục khán giả Madrid bởi kỹ năng toàn diện và sự cơ động của mình. Ông bộc lộ những phẩm chất mà người ta chưa từng thấy ở châu Âu. Khi ấy chủ tịch Santiago Bernabeu đang có tham vọng biến Real Madrid thành CLB hùng mạnh nhất châu Âu và ông đã nhìn thấy ở Di Stefano triển vọng của một cầu thủ lí tưởng để làm hạt nhân cho đội bóng mà mình mơ ước.

    Ngày 13/5/1953, “Mũi tên vàng” tới TBN để hoàn tất hợp đồng chuyển sang Barcelona nhưng khi họ thảo luận với SFF, Santiago Bernabeu đã bất ngờ chen ngang bằng một đề nghị hấp dẫn mời Di Stefano khoác áo Real. Sau cuộc tranh chấp dai dẳng, Barcelona bỏ cuộc và thiên tài bóng đá Argentina này về hẳn Real Madrid với mức phí chuyển nhượng 70.000 USD. Đó không phải là một khoản tiền nhỏ khi ấy nhưng lại là quá rẻ so với những gì ông làm được không chỉ trong bóng đá TBN mà còn ở tầm mức châu Âu và thế giới.


    Vụ chuyển nhượng Alfredo Di Stefano sang TBN xứng đáng được coi là vụ chuyển nhượng của thế kỷ 20 xét về mức độ ảnh hưởng của nhân vật chính này tới bóng đá châu Âu sau đó. Không những thế, đây còn là một cuộc giành giật ly kỳ “báu vật của bóng đá” giữa hai đối thủ không đội trời chung mà kẻ chiến thắng Real Madrid đã thống trị châu Âu nhờ tân binh này.

    Là một người rụt rè nhưng có kỹ năng chơi bóng đáng kinh ngạc, Di Stefano tỏa sáng mỗi khi vào sân và thực sự là ngôi sao sáng nhất trong chùm sao của Real Madrid (có những tên tuổi huyền thoại khác như Raymond Kopa, Ferenc Puskas...). Khi Di Stefano đã chính thức trở thành cầu thủ Real Madrid, trận đấu của ông được mọi người trông chờ nhất chính là cuộc gặp Barcelona ở giải VĐ TBN.

    CLB xứ Catalan nhận trái đắng đầu tiên từ tân binh hụt Alfredo khi ông ghi tới 4 bàn trong chiến thắng vang dội 5-0 của Real. Barca chứng kiến sự thống trị kéo dài của họ tới hồi kết khi Di Stefano giúp Real Madrid trở thành đội bóng “bất khả chiến bại”. Với sự hỗ trợ của các đồng đội xuất sắc như Gento, Hector Rial, Di Stefano đã đưa Real Madrid giành chức VĐQG mùa 1953-1954 còn ông trở thành Vua phá lưới ngay trong mùa giải đầu tiên ở CLB mới.

    Sau đó, Real còn có thêm 7 chức VĐQG nữa rải rác từ năm 1955 tới 1964, trong đó có một lần giành cú đúp nội địa (thêm Cúp Nhà vua mùa bóng 1961-1962). Di Stefano cũng là cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất ở giải VĐQG của Real Madrid với 219 bàn trong 282 trận và là cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất lịch sử đội bóng “Hoàng gia” với 311 bàn ở tất cả các giải đấu.

    Di Stefano chính là nguồn sinh lực vô tận đằng sau thành tích kỷ lục của Real Madrid: 5 chiếc Cúp C1 châu Âu liên tiếp. Ngoài những đóng góp vào lối chơi chung, ông cũng lập kỷ lục ghi bàn trong 5 trận CK Cúp C1 liên tiếp. 49 bàn trong 58 trận ở Cúp C1 của Di Stefano cũng trở thành một kỷ lục trụ vững vài thập kỷ cho tới khi lần lượt bị Raul (cũng của Real Madrid), năm 2005, rồi Andriy Shevchenko (khi còn chơi cho AC Milan) và Ruud Van Nistelrooy (cũng của Real Madrid) vượt qua năm 2006.

    Với tư cách đội VĐ TBN, Real Madrid được dự Cúp C1 châu Âu tổ chức lần đầu tiên trong mùa bóng 1955-1956. Quy mô của giải đấu khi ấy vẫn còn nhỏ và Real chỉ phải đánh bại Servette, Partizan Belgrade và AC Milan là vào tới trận CK. Đối thủ của họ là Reims với thủ lĩnh Raymond Kopa, người được coi là cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Pháp mãi cho tới khi Michel Platini xuất hiện.

    Trong một trận đấu khó khăn, Real hai lần bị đối phương dẫn trước nhưng Di Stefano đã chứng tỏ bản lĩnh và giúp đội nhà lội ngược dòng thành công với tỷ số thắng 4-3. Real giành được chiếc Cúp C1 đầu tiên. Sau trận CK Cúp C1 châu Âu đầu tiên, Real quá ấn tượng với sự xuất sắc của Kopa đến mức đã mua ngay cầu thủ này về. Nhưng khi “ông vua” Di Stefano vẫn thi đấu cực hay ở vị trí trung phong thì Kopa buộc phải chơi bên cánh phải. Với một hàng công siêu đẳng gồm Di Stefano, Rial, Kopa và Gento, Real tiếp tục bảo vệ thành công danh hiệu VĐ châu Âu.

    Đối thủ lớn nhất của họ ở mùa giải 1956-1957 chính là Manchester United, đội bóng cực mạnh của HLV huyền thoại Matt Busby. Gặp các chàng trai của Busby ở bán kết, Real thắng với tổng tỷ số hai lượt trận là 5-3 để vào CK. Di Stefano chính là người ghi bàn từ chấm phạt đền trước khi Gento ấn định tỷ số 2-0 trong trận gặp Fiorentina. Năm đó, Real Madrid cũng giành chức VĐQG còn Di Stefano là Vua phá lưới cả ở Liga và Cúp C1. Sau một mùa bóng thành công, Di Stefano được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất TBN và châu Âu năm 1957.

    Mùa giải 1957-1958, ông thậm chí còn chơi ấn tượng hơn. Di Stefano đóng góp toàn diện cả trong phòng ngự, kiến tạo và ghi bàn. Đối thủ của Real trong trận CK là AC Milan, đội đã thất bại dưới tay họ năm 1956. CLB của Italia hai lần dẫn điểm nhưng “ông thánh” Di Stefano xuất hiện đúng lúc khi ghi bàn đầu tiên cho Real và truyền cảm hứng để cả đội lật ngược thế cờ ở thời gian hiệp phụ với tỷ số chung cuộc 3-2.

    Di Stefano dẫn dắt Real tới chiếc Cúp C1 thứ tư ở mùa giải 1958-1959 sau khi một lần nữa đánh bại Reims, lần này có thủ lĩnh là Vua phá lưới World Cup 1958 Just Fontaine. Bàn thắng của Di Stefano ở trận gặp Reims cũng phá kỷ lục của chính ông là ghi bàn trong 4 trận CK Cúp C1 liên tiếp. Những đóng góp ấn tượng trong mùa bóng đó một lần nữa giúp Di Stefano có được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu.

    Mùa giải 1959-1960, kỳ vọng của người hâm mộ Real Madrid dồn cả vào chiếc Cúp C1 thứ năm sau khi đội bóng đã liên tiếp trắng tay ở giải VĐQG trong 2 năm liền. Sức ép càng khiến Di Stefano và các đồng đội thể hiện được sức mạnh vượt trội ơ đấu trường châu Âu. Ho lân lươt đe bep các đối thủ Jeunesse Esch (tỷ số sau hai lượt là 12-2), Nice (6-3), Barcelona (6-2) trước khi nghiền nát Eintracht Frankfurt trong trận đấu tháng 5/1960 đã đi vào lịch sử khi có tới 10 bàn thắng (7-3).
    Di Stefano lập hat-trick trong trận đấu được nhiều người xem là màn trình diễn vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá thế giới đó. Cúp Liên lục địa, danh hiệu VĐTG không chính thức dành cho các CLB, được tổ chức lần đầu tiên mùa Thu 1960. Real Madrid đã giành chiến thắng chung cuộc 5-1 sau hai lượt trận trước Penarol của Uruguay. Real đi vào lịch sử với tư cách CLB đầu tiên thống trị thế giới còn Di Stefano cũng trở thành nhà VĐTG cấp CLB.

    Bên cạnh nửa huy hoàng của sự nghiệp thi đấu cấp CLB là nửa thất vọng cùng với các ĐTQG. Hiếm có ai chơi cho nhiều ĐT như Di Stefano nhưng thật đáng buồn khi đó là điều duy nhất đáng chú ý về ông với tư cách một tuyển thủ quốc gia.

    Di Stefano đã chơi cho 3 ĐTQG trong suốt sự nghiệp: Argentina, Colombia (không được FIFA công nhận) và TBN. Tuy nhiên, ông lại chưa bao giờ được dự VCK World Cup. Năm 1947, Di Stefano được gọi vào ĐT Argentina khi mới 21 tuổi. Trong năm đó, Di Stefano cùng với ĐT Argentina tới Ecuador dự Copa America, giải VĐ Nam Mỹ của các ĐTQG. Trong trận thứ hai gặp Bolivia, chấn thương của Pontoni cho Di Stefano cơ hội vào sân và ông đã gây được ấn tượng lớn khi thi đấu rất hay, ghi một bàn và dẫn dắt hàng công nghiền nát đối thủ tới 7-0. Di Stefano tiếp tục chơi tốt và ghi thêm 5 bàn nữa trong 5 trận tiếp theo. Argentina vì thế đã bảo vệ thành công ngôi VĐ Nam Mỹ còn tiền đạo trẻ của họ kết thúc giải với tư cách cầu thủ ghi bàn xuất sắc thứ hai (6 bàn), sau Falero của Uruguay.

    World Cup đầu tiên mà Di Stefano có khả năng tham gia là giải năm 1950. Tuy nhiên Argentina đã tẩy chay giải, khiến Di Stefano (ở tuổi 24) lỡ cơ hội đầu tiên được chơi ở một VCK World Cup. Kết quả là khoảng thời gian từ trận đầu tiên cho đến trận cuối cùng ông chơi cho ĐTQG Argentina chỉ vỏn vẹn trong 24 ngày (thắng Bolivia ngày 4/12/1947 lúc 21 tuổi 153 ngày và thắng Uruguay 3-1 ngày 28/12/1947 khi 21 tuổi 177 ngày). Tới World Cup 1954, Argentina không được dự và FIFA tuyên bố Di Stefano không đủ tư cách để chơi cho một ĐT nào khác bởi ông từng khoác áo của cả Argentina và Colombia. Lối thoát mở ra khi Di Stefano có được quốc tịch TBN năm 1956. Ông chơi 4 trận vòng loại World Cup cho họ vào năm 1957 nhưng đội bóng này đã không đoạt được vé dự VCK World Cup 1958. Năm 1961, Di Stefano (khi đó đã 35 tuổi) giúp TBN vượt qua vòng loại World Cup 1962 nhưng một chấn thương cơ ngay trước giải lại ngăn cản ông chơi bóng ở VCK. Di Stefano chia tay bóng đá quốc tế sau trận đấu cuối cùng cho ĐT TBN (hòa Pháp 1-1 ngày 10/12/1961).

    Sau hai lần nữa dẫn dắt Real Madrid vào tới trận CK Cúp C1 các năm 1962 và 1964 nhưng đều thất bại (trước Benfica của Eusebio và Inter với lối đá phòng thủ bê tông trứ danh) và bị chỉ trích là “chậm chạp”, Di Stefano 38 tuổi chuyển sang chơi cho Espanyol thêm 2 mùa bóng trước khi treo giày. Chia tay sự nghiệp thi đấu, Di Stefano chuyển sang làm HLV.

    Năm 1970, ông dẫn dắt Boca Juniors giành chức VĐQG Argentina. Năm 1980, ông trở lại với đội bóng cũ River Plate và cùng họ giành thêm một chức VĐQG 1981. Di Stefano đi vào lịch sử với tư cách HLV duy nhất giành danh hiệu VĐ Argentina với cả hai CLB khét tiếng thù địch nhau Boca Juniors và River Plate. Sự nghiệp huấn luyện của Di Stefano gắn bó lâu nhất với Valencia. Ông đã 3 lần làm HLV CLB này (các giai đoạn 1970- 1974, 1979-1980, 1986-1988) và cùng họ giành được chức VĐ Liga năm 1971 (sau 24 năm chờ đợi), Cúp Nhà vua năm 1979, Cúp C2 châu Âu năm 1980. Di Stefano có thời gian làm HLV CLB Sporting Lisbon ở BĐN trong một phần của mùa bóng 1974-1975. Ông còn hai lần dẫn dắt Real Madrid thời kỳ 1982-1984 và mùa bóng 1990-1991 nhưng không giành được một danh hiệu nào.

    Năm 1991, khi tạp chí France Football tổ chức cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu mọi thời đại thông qua việc lấy ý kiến của các nhà báo bóng đá, Di Stefano đã giành chiến thắng và được trao Siêu Quả bóng Vàng châu Âu. Maradona cũng đã từng nói : “Tôi không biết mình có xuất sắc hơn Pele hay không nhưng tôi có thể nói không chút hồ nghi rằng Di Stefano xuất sắc hơn Pele. Tôi tự hào được nói về Di Stefano. Pele đã gặp khó khăn khi chơi bóng ở châu Âu trong khi Alfredo đã chơi cực hay trên khắp thế giới".

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Hee, ngoài tuyển Thiên Thanh là đội bóng số 1 trong tim thì Argentina luôn là sự lựa chọn yêu thích của mình sau Azzurri.

    Thank MABU rất nhiều về những thông tin bổ ích này.
    MABU có thông tin về Mario Kempes, Canigia hay F.Redondo ko?

    //từ từ mới có chứ bác tập hợp đc thông tin để viết 1 bài thế này đâu phải đơn giản

 

 

Các Chủ đề tương tự

  1. Các huyền thoại của bóng đá Pháp
    Bởi nmhquoc trong diễn đàn Ngôi nhà của những huyền thoại
    Trả lời: 8
    Bài viết cuối: 06-16-2017, 04:31 PM
  2. Làm sống lại các huyền thoại bóng đá
    Bởi jmm8199 trong diễn đàn Thảo luận - Hỏi đáp về FM2008
    Trả lời: 4
    Bài viết cuối: 06-02-2017, 04:17 PM
  3. Các huyền thoại của bóng đá Ý
    Bởi cake1990 trong diễn đàn Ngôi nhà của những huyền thoại
    Trả lời: 7
    Bài viết cuối: 01-08-2017, 08:25 AM
  4. Sự trở của các huyền thoại bóng đá
    Bởi hungtk15122010 trong diễn đàn FM 2011 Download
    Trả lời: 49
    Bài viết cuối: 09-19-2011, 07:01 PM
  5. Các huyền thoại của bóng đá châu Âu (khác)
    Bởi BichNgoc101 trong diễn đàn Ngôi nhà của những huyền thoại
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 12-25-2008, 10:02 AM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •  
Múi giờ GMT +7. Bây giờ là 09:31 AM.
Diễn đàn sử dụng vBulletin® Phiên bản 4.2.5.
Bản quyền của 2024 vBulletin Solutions, Inc. Tất cả quyền được bảo lưu.
Ban quản trị không chịu trách nhiệm về nội dung do thành viên đăng.